Trang2

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Chợ Quê ( phần 1 )


Làng tôi có khu chợ Dộc, là một trong ba chợ lớn nhất của khu vực trong những năm 1965 về trước. Trong chợ có những cây đa, cây đề cổ thụ, toả bóng mát rợp. Xa xưa chợ có hàng chục dãy cầu chợ. Mỗi dãy có năm gian với mười hai chiếc cột đá cao chừng gần hai mét xếp hàng thẳng tắp. Mỗi chiếc cột là một khối đá được đẽo gọt hình trụ đường kính khoảng trên hai mươi phân. Các dãy cầu chợ này bắt vần suốt ba vế Tây, Nam, Đông, toàn bộ khu giữa chợ là bãi cỏ bằng phẳng. Sau hòa bình 1954 một số cầu chợ còn lợp ngói móc, một số đã bị phá trong chiến tranh được lợp lại bằng rơm rạ. Hàng quán bán đủ thứ, chủ yếu là hàng nông sản. Dãy hàng gạo, hàng chè xanh, rồi đến hàng thịt, hàng cá cùng với mấy rổ ốc, giỏ cua. Dãy hàng khô với đủ thứ từ trên rừng đến dưới biển mang về. Dãy hàng lợn con, hàng gà chiếm cả phần phía Nam chợ. Cuối dãy cầu phía Tây mấy bà hàng mắm với những chiếc thùng ghép bằng gỗ, trên nắp chỉ có một lỗ nhỏ cho vừa cái "duộc" để múc bán cho khách hàng. Đâu đó đậm đà, thơm phức hương vị đồng quê từ nồi diêu cua của mấy hàng bún diêu còn nghi ngút khói. Tiếng dao chan chát của ông hàng phở đập hành. Chợ còn đông vui bởi mấy dãy hàng khoai, hàng sắn, lại còn cả mấy gánh dây khoai lang, mấy gánh bèo. Chỗ kia thì bán vài quả mít, mấy trái ổi vàng thơm lăn lóc trong cái rổ con. Mùa nào thức ấy, từ thóc lúa, ngô khoai đến hoa trái trong vườn, dân quê tôi đều mang ra chợ đổi trao, mua bán.



Dưới gốc đề già có bố con ông hát xẩm với cái giọng rè rè xen trong tiếng nhị réo rắt lúc bổng lúc trầm. Thỉnh thoảng lại có người thả mấy đồng xu vào mảnh nón rách để bên. Gần xa vọng lại tiếng rao đủ loại, đủ cỡ làm cho phiên chợ càng thêm đông vui náo nhiệt hơn nhiều. Lần nào cũng vậy tôi chỉ thích kéo tay bà đi qua dãy "hàng xén" nằm ở mấy gian cầu phía Tây. Họ bán các loại hàng thủ công, mỹ nghệ như cặp tóc, gương, lược, bút, mực, giấy viết và đồ chơi trẻ con. Ở gần cổng chợ là dãy hàng bán các loại bánh trái. Mấy mẹt bánh đúc rẻo thơm như tiếng chào mời. Những chiếc bánh khoai, bánh tẻ, bánh giò còn nóng hổi. Đứng ở đây đã cảm nhận được làn khói than hoa vừa khét vừa thơm, tiếng quạt phành phạch của bà hàng bánh đa. Những chiếc bánh ròn khô cứ lật đi, lật lại trên chậu than hồng, dần phồng lên, vàng rộm. Bánh trái cũng tuỳ theo mùa để những quán hàng đổi thay cho phù hợp. Món mà tôi yêu thích nhất là bánh bột lọc. Mỗi chiếc bánh được bọc bằng hai đoạn lá dứa dại gấp thành hộp chữ nhật, đầu vuông bằng bề rộng của phiến lá , bánh dài khoảng một gang tay trẻ con, giữa hơi thon nhỏ được buộc bằng sợi lạt hồng. Bóc lớp lá ra là khối bột trong suốt, nhìn rõ nhân bên trong. Nhân bánh làm bằng đỗ xanh trộn đường trắng, có lẫn những hạt vừng rang. Bánh vừa dẻo lại vừa ròn. Nếu bẻ đôi chiếc bánh,nó uốn cong rồi gãy "tách" một tiếng, hương dàu chuối lẫn vừng rang thơm mát cả xung quanh.


Ở một góc cầu chợ phía Nam là hàng "Cháo Cói" lúc nào cũng bốc khói thơm lừng. Cháo do một bà người ở làng Cói mang về chợ bán, cũng có lẽ vì thế mà người ta đặt cho nó thành tên. Cái danh từ "cháo Cói " còn được dùng đến ngày nay. Loại cháo này được nấu bằng bột gạo nghiền nhỏ, trộn thêm ít thịt nạc xé tơi, cho mắm muối vừa vặn. Bát cháo Cói có màu nâu tím của gạo nếp cẩm, những miếng thịt nạc nhỏ xíu trên mặt bát cháo đều khắp như chia. Dẫu chen lẫn trong màu cháo đặc quánh, mỗi miếng thịt vẫn như những hạt bông tơi xốp. Trong bát cháo còn như có cả những hạt bột vón. Mà hình như không phải vậy, nó đầm đậm, thơm thơm, làm cho cảm giác đậm ngọt lưu lại lâu nơi đầu lưỡi, rồi mới từ từ lan toả, thấm vào cuống lưỡi trước khi đến với dạ dày.
Nhiều hôm tôi theo bà dạo một vòng quanh chợ mà chẳng mua gì, những lúc nông nhàn nhiều người khác cũng vậy. Họ đi chợ để chơi, xem cho vui thôi, ở nhà cũng chẳng làm gì. Riêng tôi, trước khi ra về thế nào cũng được mua một con "tò he" của ông già ngồi cạnh mấy bà hàng xén. Ông già nặn rất khéo tay từ những khối bột gạo dẻo xoăn, với nhiều màu sắc sặc sỡ, ông nặn theo đúng yêu cầu của những khách hàng tý hon…

( còn nữa )
Tháng 7 năm 2011

Nguyễn Hữu Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét