Trang2

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Rừng Trám

Tôi sinh ra và lớn lên giữa một miền quê tuyệt đẹp với nhiều truyền thuyết hào hùng. Dẫu nằm giữa miền đồng bằng Bắc bộ, nhưng nhiều khách lạ qua đây có cảm giác đi giữa một miền trung du với những gò đồi đất đỏ, những khóm hoa mua nhuộm tím khoảng trời chiều.Ven gò cao là những khóm dứa dại nối theo nhau chạy dài tít tắp. Ẩn hiện giữa rừng trám già nua là những ruộng sắn lên xanh mơn mởn, những vườn chè xanh cao lút đầu người. Sát bìa cái “Dộc” đất cao cao ấy là làng tôi, một ngôi làng cũng già, cũng cổ như cái mảnh đất mà nó đang nương náu. Cũng có lẽ vì cái địa thế ấy mà làng “Dộc” được gọi thành tên. Còn trong địa danh hành chính là làng Dục Nội.


Bãi sắn ven Thành Cổ Loa

Theo một số tư liệu lịch sử ghi lại thì quê tôi nằm liền kề phía Bắc vòng thành thứ 3 của Cổ Loa thành. Khi chúng tôi còn ở cái tuổi “ chăn trâu cắt cỏ” thì những vòng thành còn sừng sững bao quanh. Những cái tên thân thương tưởng chừng không bao giờ mất: Đường Quan Báo, gò Ông Đống, Núi Đỏ, Cửa Trấn Bắc, Rừng Tây…


Cửa Trấn Bắc


Nhiều gò đất cao

Nằm giữa vòng thành thứ hai và vòng thành thứ ba là “ Rừng Trám”. Những cây trám đen cổ thụ có lẽ cũng hàng trăm năm tuổi. Nhiều cây tỏa bóng mát cả nửa sào đất, lớp vỏ đã sần sùi, nứt nẻ, ba đứa trẻ chúng tôi nối vòng tay mà chưa ôm hết thân cây. Rừng trám mênh mông có lẽ cũng hàng nghìn cây to nhỏ xen tán bên nhau mát rợp cả một vùng. Có lẽ ở lứa tuổi chúng tôi ngày ấy chẳng có ai không có những kỷ niệm đáng nhớ với rừng trám quê hương. Chiều chiều vắt vẻo trên lưng trâu, chúng tôi rồng rắn nối đuôi nhau vượt qua con đường xe lửa, lan tỏa ra dưới những tán lá trám rậm rì. Cứ thế chúng tôi nô đùa thỏa thích mặc cho lũ trâu ung dung gặm cỏ suốt chiều. Những ngày tháng ba, khi những quả trám non vừa bằng ngón tay út ngơ ngác vượt qua tán lá nhìn ngắm bầu trời, cũng là lúc chúng tôi có dịp ăn thỏa thích. Những trái trám non chấm muối ớt vừa chát, vừa bùi, hăng hăng, thơm thơm khó tả. Cũng phải nói thêm hàng tháng trời với hàng trăm đứa trẻ tự do trèo hái quả cũng chẳng thấm vào đâu. Năm nào trám cũng sai quả, nặng trĩu đầu cành. Cuối tháng bảy, đầu tháng tám, những trái trám bắt đầu chín đen. Chúng tôi lại thi nhau vặt đầy vạt áo chạy đến những vũng nước hiếm hoi ở khu đất trũng ven “rừng ”. Những trái trám được ngâm trong vũng nước nóng ran dưới cái nắng “ rám trái bưởi ” chừng 20 phút là chín nụng, thế là lũ trẻ vớt lên thi nhau xoa xoa vào vạt áo, ống quần rồi bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Trám chín ăn bùi, thơm lại có vị béo ngậy. Những hàm răng trắng tởn bỗng tím đen, đứa nọ nhìn đứa kia cười chảy nước mắt rồi lại hò hét đuổi nhau làm cho lũ chim trên cành cũng bay túa lên cao. Cuộc đời đã cho tôi được đi, được sống nhiều nơi, nhưng chưa đâu có nhiều trám đen đến vậy. Đã có thời trám đen nổi danh cùng tương ngọt quê tôi lan rộng khắp vùng. Trám hái về cho vào rổ, dùng chân chà sát nhiều lần cho hết lớp nhựa bao quanh ( người dân quê tôi thường gọi là lớp xáp ). Nếu không bỏ hết lớp “xáp” ấy thì vỏ cứng, ăn chát. Khi nấu chỉ cần bỏ trám vào nồi nước đã đun nóng khoảng gần 90 độ, nhắc khỏi bếp, đậy vung chừng 20 phút là chín nục. Nếu đun sôi thì càng đun trám càng cứng, không thể ăn được. Trám đen chấm tương Dục Nội thì thật là một tuyệt tác thiên nhiên ban tặng cho miền quê đồng ruộng bạc màu này. Vị trám béo bùi lẫn trong hương thơm của tương vừa ngọt vừa đậm đà mộc mạc. Khi mùa đông đến lũ trẻ chúng tôi lại vây quanh những gốc trám già để tìm kiếm những mảnh nhựa trám trông giống như nhựa thông. Tối tối đốt nhựa trám trong những chiếc ống bơ cũ vừa làm đèn soi đường vừa để làm tan cái giá rét đêm đông khi đi học nhóm. Mà hình như cái làn khói ngan ngát hương xạ rất đặc trưng còn như phảng phất trong tôi đến tận bây giờ.


Thành đất Cổ Loa


Thành Cổ Loa bao quanh nhiều khu ruộng

Kỷ niệm về rừng chám quê tôi thì không biết thế nào cho hết được. Lũ trẻ
chúng tôi đã gắn bó với rừng chám cả chục năm trời. Bao chuyện vui buồn, hờn giận, bao cuộc chơi đùa quên cả bữa ăn. Những cuộc trại hè giữa những năm yên bình giữa hai cuộc chiến; những kỳ ôn thi ngồi dưới gốc chám già… Nhiều, nhiều lắm, không thể nào nói hết, những kỷ niệm ấu thơ đã ngấm vào máu thịt tự khi nào! Nhưng vĩnh viễn mất rồi, rừng chám quê tôi. Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, người ta đã phá bỏ chúng để xây dựng một nhà ga dã chiến. Về ý nghĩa chiến lược của sự việc đó chúng tôi không hiểu rõ lắm, nhưng nỗi tiếc thương “ Rừng Chám” có lẽ chẳng bao giờ có thể nguôi ngoai. Giá như bây giờ nó vẫn còn nguyên vẹn như xưa thì không biết bao nhiêu cuộc vui sẽ được tổ chức tại đây. Hơn thế nữa chắc chắn nó trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn số một ngay sát phía bắc Thủ đô. Cùng với di tích Cổ Loa thành nó cũng tạo cho người dân quê tôi một “ nền công nghiệp không khói ” với thu nhập không nhỏ. Giá như nó vẫn như xưa, con cháu chúng tôi lại có nhiều kỷ niệm êm đềm sâu đậm hơn cả chúng tôi ngày ấy. Bởi lẽ hiện thời giữa cuộc sống ồn ã, bận rộn, đến đâu cũng thấy bê tông, sắt thép mà có một thảm cây xanh như một ốc đảo giữa đất này thì tuyệt diệu biết bao. Tất cả chỉ giá như thôi, ốc đảo thần tiên đâu còn nữa, cả những vòng thành cũng dần thành gạch ngói, nhà dân. Dù muộn còn hơn không, chúng tôi mong muốn mọi người cùng nhau gìn giữ bảo tồn những gì còn sót lại để đời sau còn hiểu được quê mình…

Tháng 7 năm 2011

Nguyễn Hữu Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét