Trang2

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Chợ Quê ( phần cuối )


Không biết tự khi nào chợ Dộc quê tôi được liên kết với bốn chợ khác trong vùng luân phiên họp trong năm ngày liên tiếp - Chợ phiên. Ngày 1 hàng tháng họp chợ Xa (chợ Cổ loa), ngày 2 chợ Kim ( thuộc xã Xuân nộn ), ngày 3 chợ Dâu ( thuộc xã Xuân canh), ngày 4 chợ Tó ( Uy nỗ), ngày 5 chợ Dộc. Chu kỳ lại bắt đầu quay lại từ ngày 6 đến ngày 10. Vì thế dân quê tôi có câu ca: Xa xà Kim, Kim kìm Dâu, Dâu câu Tó, Tó mó Dộc, Dộc cộc xa, Xa xà Kim... Trong năm chợ thì chợ Dâu và chợ Kim là nhỏ hơn, ba chợ còn lại đều thuộc loại có quy mô lớn, hàng hoá phong phú không chỉ trong vùng mà nó còn có tiếng trong nhiều vùng lân cận. Do địa thế thuận lợi cho việc giao thương, chợ Dộc còn có hai phiên “xép” họp trùng vào ngày họp chợ Dâu và chợ Kim. Thế mạnh của chợ Dộc trước hết phải kể đến vị thế của cái làng “Dộc” vừa to, vừa phong phú về nguồn hàng nông sản với đủ các chân đồng cao, ruộng thấp, mùa nào thức ấy. Thế mạnh không kém là con đường giao thương sẵn có từ bao đời. Đường cái quan suốt từ Từ Sơn, Đồng Kỵ thuộc Tỉnh Bắc Ninh qua Liên Hà, Vân Hà trở ra. Từ quốc lộ 3 qua Cổ Loa, qua Tó trở vào cũng thuận lợi. Kề bên chợ lại là con đường “hoả xa” nối từ Hà nội lên tận Lao cai với hai ga nằm ở hai đầu chợ : ga The le và ga Xuân Kiều. Có lẽ vì một số lợi thế đó mà chợ Dộc đã hình thành từ rất sớm và có quy mô bề thế trong vùng. Ngày ấy đường xá, phương tiện đâu được như bây giờ. Tất cả mọi người gồng gánh đi bộ, tay xách, nách mang, chứ làm gì có xe cộ, đường xá thênh thang. Những đứa trẻ lon ton chạy theo bà, theo mẹ. Mỏi quá thì được ngồi vào một bên quang thúng để người lớn gánh đi. Cái cảnh chợ quê giản dị mà nên thơ, nồng nàn, ấm cúng. Người ta đến chợ đâu chỉ để mua bán, mà còn để gặp gỡ, đổi trao, tâm tình thăm hỏi. Chợ là trung tâm giao lưu cả về vật chất và tinh thần.
Nhưng rồi cảnh chợ phiên miền quê nhộn nhịp mà yên bình, phong lưu mà dân dã, náo nhiệt đến chân tình dần không còn nữa. Nó thưa vắng dần khi đất nước chuyển sang thời kỳ "phân phối". Hàng gạo, hàng thịt, hàng đậu, hàng mắm, hàng dàu, với nhiều hàng nhu yếu phẩm khác được nhà nước quản lý, bán "phân phối" theo tem phiếu bắt đầu vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi. Chợ Dộc chỉ còn lèo tèo mấy mớ khoai, thúng củ, rổ hoa trái trong vườn, mọi hàng quà bánh được chế biến từ lương thực không còn nữa. Thế mà cái cảnh chợ phiên nghèo nàn buồn tẻ cũng kéo dài mất ngót ba mươi năm.
Trong những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cùng với sự tiêu tan rừng chám, chợ Dộc quê tôi cũng chuyển đi nơi khác nhường chỗ cho nhà ga dã chiến mọc lên. Không biết có phải vì dời xa nơi “ chôn rau, cắt rốn ” của mình hay vì lí do nào khác mà Chợ Dộc từ đó đến nay không thể có quy mô bề thế như xưa. Và tất nhiên bản chất của chợ quê cũng dần đổi thay theo năm tháng, khi mà cơ chế thị trường đang ngự trị nơi đây. Hàng hóa nông sản dần ít đi, thay vào đó là nhiều mặt hàng công nghiệp. Người ta đến chợ cũng ít để trao nhau nụ cười, khoé mắt, mà tất bật, vội vàng mua bán “cho xong”. Cảnh chợ quê xưa dần mai một mất rồi.
Có điều đặc biệt là chợ Dộc có một phiên họp tất niên vào ngày hai lăm tháng chạp hàng năm. Hàng hóa ngày thường hầu như còn rất ít, nó được thay thế bằng nhiều mặt hàng phục vụ ngày tết. Nhưng nhiều hơn cả vẫn là các mặt hàng quà bánh. Bên những quán hàng bánh trái quanh năm, còn nhiều người chỉ tranh thủ mở hàng duy nhất một ngày. Mà những mặt hàng này thì thật là phong phú, đủ chủng loại, không thể nào kể hết. Nhưng món đặc trưng của phiên chợ này vẫn là hàng Cháo Cói. Khách đặc trưng của phiên chợ này là bà già và trẻ con. Thời gian họp chợ bắt đầu từ khi còn tối đất đến tận quá trưa. Phiên chợ đông vui, náo nhiệt lạ thường. Cũng may phiên chợ “ Hai Nhăm ” mộc mạc, hoang sơ đầy quyến rũ vẫn được duy trì đến hôm nay, để cảnh chợ quê còn lưu lại trong ký ức của thế hệ đương thời…

Tháng 7 năm 2011





Bài và ảnh Nguyễn Hữu Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét