Trang2

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Cánh diều thuở ấy


Những năm đầu sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng 1954 có một bài ca mà tôi vẫn còn nhớ đôi câu rất thực với đời mà cũng lãng mạn vô cùng: “… Trăng lên lùa cành tre, gió thổi tiếng sáo diều, trăng soi cảnh miền quê, lúa ngợp đồng xanh … tương lai tựa vầng trăng, bé ngủ à ơi…”. Cái ánh trăng hòa bình đã trải tấm lụa vàng trên những cánh đồng bát ngát, trên những xóm làng đang đổi thịt thay da, và đọng lại trên những nụ cười hồn nhiên như con trẻ. Cái ánh vàng giữa mênh mông hư ảo, nâng những cánh diều bay cao để tiếng sáo vang ngân tới tận chân trời. Và có lẽ cũng ít nơi nào có tiếng sáo diều huyền diệu như quê tôi. Những ngày ấy tiếng sáo diều hòa quyện trong gió làm nên dàn hợp xướng khổng lồ giữa không trung cao thẳm. Năm nào cũng vậy, công việc cày cấy vụ mùa đã vãn, người dân quê tôi lại thành thơi thả hồn theo những cánh diều. Cứ mỗi chiều về, khi ông mặt trời đã lững thững phía trời tây, bên lũy tre làng, trên những ruộng đỗ, bãi ngô vừa qua mùa thu hoạch lại lao xao tiếng nói tiếng cười. Những “lão nông tri điền” quần còn “ống thấp, ống cao”, bàn chân còn dính đầy bùn đất, họ ngồi bệt ngay trên bờ cỏ mướt xanh, ngả mình ngắm những cánh diều thả mình trong gió. Không chỉ có cánh đàn ông, cả các bà, các mẹ cho đến lũ trẻ chúng tôi cũng góp phần cho cảnh chiều quê thêm phần chộn rộn. Kẻ đứng, người ngồi trò chuyện râm ran. Mấy cụ già phe phẩy chiếc quạt mo cau, cặp mắt nheo nheo dõi theo những cánh diều như những chiếc lá đa gắn trên nền xanh của khoảng chiều thu còn vàng sắc nắng. Những chiếc diều quê tôi không nhiều sắc màu lòe loẹt, nó bình dị đơn sơ màu đất quê hương , một mảnh đất bạc màu. Với đôi cánh thon nhọn vút cong, trông chúng cũng giống như mảnh trăng non giữa trời chiều dần tắt nắng. Nhìn xa hơn về phía chân trời, những cánh diều lướt trên những khóm mây trắng bạc như đoàn thuyền đang rẽ sóng ra khơi. Chúng chen vai nhau thả sức vươn lên giữa trời cao lộng gió. Không biết thú chơi diều của người dân quê tôi có từ bao giờ, nhưng theo nhiều người thì nó đã có từ lâu lắm rồi. Những thanh tre vừa dẻo vừa vững chắc được làm nên những chiếc diều với nhiều hình dạng khác nhau.Có loại diều hai đầu cánh nhọn và cong đều, gọi là “diều cánh cắt” , có loại chỉ uốn cong nhiều ở hai đầu cánh và ít nhọn hơn, gọi là “diều cánh bầu”, “ diều cánh cốc ”, “ diều én ”v.v.. Tuy vậy tùy thuộc vào khả năng và tài nghệ của từng người mà họ làm những chiếc diều to, nhỏ khác nhau đủ các cỡ. Có những chiếc diều có sải cảnh hai, ba mét. Phía trên đầu của mỗi chiếc diều còn được gắn thêm những cây sáo. Nào là “Sáo Chiêng”, “Sáo Côồng ”, âm thanh nó phát ra như tiếng chiêng, tiếng côồng trầm hùng đĩnh đạc ngân vang suốt mọi nẻo đồng quê. Đây là loại sáo lớn nhất, đường kính ống sáo có lẽ gần mười phân, thân ống sáo cũng dài đến ba, bốn mươi phân. Loại nhỏ hơn là “Sáo Hiệu”, tiếng sáo lại “tu, tu” gần giống tiếng tù và. Rồi “Sáo đẩu” kéo lên âm thanh rền vang như giọng nam trung. Nhỏ nhất có lẽ là sáo còi, lời sáo trong veo, réo rắt ngân vang tới tận chân trời. Tuy vậy tiếng sáo mỗi chiếc diều lại rất riêng. Tuy cùng một loại sáo nhưng chúng cũng có tiếng trong, tiếng đục , tiếng nhặt, tiếng khoan, khi cao, khi thấp. Dàn giao hưởng đại nhạc sáo diều cứ âm vang hòa quyện trong gió thu man mác, lâng lâng. Nó bay vút lên cao thả hồn trong màu xanh bất tận, lại hiền hòa xà xuống quấn quýt bên lũy tre làng. Tiếng sáo diều như một bản tình ca bất tận đưa mọi người xích lại gần nhau, làm vợi đi bao nhọc nhằn vất vả, rạo rực tuổi thơ, thư thái lòng già. Tiếng sáo diều nối ngày với đêm cho cảnh làng quê bớt phần tăm tối. Nhất là những đêm trăng thanh gió mát, mượn tiếng sáo diều cho lứa trẻ trao duyên.
Tiếc thay thú chơi diều đã chấm dứt khi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan đến quê tôi. Những chiếc diều khổng lồ do các nghệ nhân ngày ấy làm đã không còn nữa. Không biết có khi nào người dân quê tôi mới lại được đằm mình trong những chiều vàng sắc nắng, thư thái cõi lòng theo những cánh diều cao vút giữa trời xanh. Những đêm gió mát, trăng thanh, khúc nhạc mê hồn đưa họ về với giấc ngủ nồng say sau một ngày vất vả. Dẫu sao cũng cám ơn đời đã cho bà, cha, mẹ tôi, tôi và cả những con người cùng thế hệ ấy có những năm tháng bình yên, hạnh phúc tuyệt trần.

Tháng 8 năm 2011
Nguyễn Hữu Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét