Trang2

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Ký ức về khoảng bình yên giữa hai cuộc chiến



Miền Bắc hoàn toàn giải phóng sau hiệp định Giơ -Ne - Vơ năm 1954. Quê hương tôi cũng dần “ thay da đổi thịt ” . Khi màn đêm dần chạy chốn, rộn rã khắp xóm thôn tiếng gà gọi bình minh. Những tiếng gà vang ngân, trong như giọt sương đêm, bừng tỉnh những giấc mơ ngọt ngào của những người dân miền quê đang đổi mới. Đâu đó tiếng trẻ oa oa như điểm nhấn trong bức tranh cuộc đời hạnh phúc tràn đầy. Phía trời đông dìu dặt cánh cò, gió chạy lao xao qua những rặng tre hàng trăm năm tuổi. Dưới mái tranh nào tiếng nói, tiếng cười vọng xa như nụ hoa chớm nở trên nhành mận tơ non vừa hé chồi xuân. Những buổi sáng thanh bình cứ bồng bềnh nhẹ ru tôi suốt chặng đường năm tháng. Khi ánh bình minh trải những sợi tơ trời vàng óng vắt qua những ngọn cây, xà xuống từng mái tranh quê là lúc mọi người ai vào việc nấy, không khí đông vui dồn hết chốn cổng làng. Kẻ gồng, người gánh, cái cuốc, cái cào trải dần ra trên cánh đồng xanh màu khoai, lúa. Trong lũy tre làng bao trùm một không khí yên tĩnh vô cùng, chỉ còn lao xao tiếng gà cục tác, tiếng chim cu gù trên những ngọn tre. Tất cả cùng hòa quyện vào nhau như những gam nền cho bản nhạc say đắm muôn đời, ấm giọng ầu ơi tiếng bà ru cháu, tiếng võng tre kẽo kẹt đong đưa. Những âm thanh dù chỉ nhẹ nhàng thôi cũng đủ vang xa đầu thôn, cuối xóm. Có phải chăng làng quê bấy giờ có lũy tre xanh bao bọc, như bức tường thành ôm trọn bản nhạc quê. Quanh làng tôi bấy giờ là lũy tre cao ngất. Những cây tre đời này tiếp đời khác, chen chúc, tay níu chặt tay. Không ai biết lũy tre làng tôi có tự bao giờ, chỉ thấy dưới lớp lá dày lẫn trong màu đỏ hung của đất là tầng tầng, lớp lớp bao gốc tre già nhường chỗ cho lứa măng non. Chúng quấn quýt, đan xen, bế bồng nhau truyền đời, truyền kiếp, để lũy thành ngày càng rộng càng cao. Muốn ra khỏi làng phải qua tám cổng làng hướng về bốn phía. Trước làng có cổng Giếng trên, cổng Giếng Đồng, cổng Sang, cổng Tỵ. Đầu làng có cổng Thượng, sau làng còn có cổng Hầu, cổng Lác, cổng Chùa. Khi tôi đã biết, một số cổng làng đã bị phá, như cổng giếng trên, cổng Hầu, cổng Lác, cổng Chùa. Các cổng khác được xây bằng gạch chắc chắn, bề thế. Mỗi cổng đều có đôi cánh gỗ dày, then cài trong vững chãi. Nền cổng, bậc bước xuống đồng thường lát bằng những phiến đá to hoặc những hàng gạch vỉa nghiêng vẹt mòn những vết chân tần tảo. Trên nóc cổng là vọng gác của làng những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
Tre làng tôi còn xanh tốt đến mọi nhà. Có nhà ai không có một vài khóm tre, nhiều nhà còn có cả lũy tre dày đặc bao quanh đất ở. Bởi vì nhà ai đất đai cũng rộng , vườn tược bỏ hoang nhiều. Xóm làng dân cư thưa thớt chứ đâu có đông đúc như bây giờ. Gianh giới giữa mọi nhà chủ yếu là những hàng cây dại bám theo mấy ngọn tre rào tạm. Chỉ có một số nhà khá giả là có cổng, còn hầu hết mở lối "tự do", cẩn thận hơn là có cành giong rấp lại khi đêm về. Tôi mãi yêu, mãi nhớ, cứ ước ao cái làng quê tôi còn mãi trên đời, dẫu vẫn biết đó là điều không thể ! Bởi trong đó chỉ có những con người mộc mạc, dịu hiền như những mái tranh quê. Họ sống với nhau chân tình, cởi mở. Dẫu giàu, nghèo thì cũng chẳng có ai cần đến cửa giữ nhà, chỉ có tấm liếp che mưa, chắn nắng. Hầu hết nhà tranh quê tôi đều không xây tường phía trước ba gian giữa, mà thường chắn bằng khại, liếp đơn sơ. Mỗi khi vắng nhà người ta kéo kín cửa lại vừa như báo hiệu nhà đi vắng cả, vừa để không cho gà qué vào quấy bẩn mà thôi. Đâu có phải chỉ ban ngày mà cả đêm tối nữa. Trong những dịp hội hè, tết nhất người ta còn tổ chức hát tuồng, hát chò, cải lương. Những khi đó già, trẻ, gái , trai nhà nào mà chẳng nô nức đi xem. Họ chỉ cần buông tấm liếp hoặc kéo cái khại cho có vẻ kín đáo, có nhà ai biết cái khóa cửa là gì.
Tôi vẫn tự hỏi lòng, có thật một thời thần tiên như thế. Mặc nhiên nó đã từng tồn tại trên đời…

Tháng 8 năm 2011
Nguyễn Hữu Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét