Trang2

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Tạm dừng đăng bài !

Không hiểu vì lý do gì mà đã hơn 2 tuần nay tôi không thể xem được blog của mình, nhiều blogger khác cũng thấy hiện tượng như vậy. vì thế mà tôi tạm ngừng đăng bài trên blog cá nhân này. Ai có cách khắc phục xin chỉ giúp. Xin chân thành cám ơn
Nguyễn Hữu Thắng

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Tháng Tám


Tháng tám
Nắng nhuốm vàng hoa cúc
Nắng thắp đỏ trái hồng
Nắng vắt vẻo cưỡi ngọn gió đồng
Đánh thức cặp má hồng thôn nữ
Rạo rực
Nụ hoa chớm nở
Lúng liếng
Em trao giọt nắng cười

Tháng tám
Biếc xanh một khoảng trời
Cánh đồng ngát xanh
Lúa đang thì con gái
Xanh vườn trầu
Buồng cau trĩu trái
Xanh câu hẹn thề
Thổn thức cả vầng trăng

Tháng tám
Ngọn gió dịu dàng
Thả giữa dáng chiều
Bồng bềnh chiếc lá
Mây rủ nhau về cuối trời trắng quá
Ta lại tìm em trong ngào ngạt hương đồng…

Tháng tám
Góc trời nào
Vẫn rình rập bão giông!

Tháng 8 năm 2011

Nguyễn Hữu Thắng


Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Cánh diều thuở ấy


Những năm đầu sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng 1954 có một bài ca mà tôi vẫn còn nhớ đôi câu rất thực với đời mà cũng lãng mạn vô cùng: “… Trăng lên lùa cành tre, gió thổi tiếng sáo diều, trăng soi cảnh miền quê, lúa ngợp đồng xanh … tương lai tựa vầng trăng, bé ngủ à ơi…”. Cái ánh trăng hòa bình đã trải tấm lụa vàng trên những cánh đồng bát ngát, trên những xóm làng đang đổi thịt thay da, và đọng lại trên những nụ cười hồn nhiên như con trẻ. Cái ánh vàng giữa mênh mông hư ảo, nâng những cánh diều bay cao để tiếng sáo vang ngân tới tận chân trời. Và có lẽ cũng ít nơi nào có tiếng sáo diều huyền diệu như quê tôi. Những ngày ấy tiếng sáo diều hòa quyện trong gió làm nên dàn hợp xướng khổng lồ giữa không trung cao thẳm. Năm nào cũng vậy, công việc cày cấy vụ mùa đã vãn, người dân quê tôi lại thành thơi thả hồn theo những cánh diều. Cứ mỗi chiều về, khi ông mặt trời đã lững thững phía trời tây, bên lũy tre làng, trên những ruộng đỗ, bãi ngô vừa qua mùa thu hoạch lại lao xao tiếng nói tiếng cười. Những “lão nông tri điền” quần còn “ống thấp, ống cao”, bàn chân còn dính đầy bùn đất, họ ngồi bệt ngay trên bờ cỏ mướt xanh, ngả mình ngắm những cánh diều thả mình trong gió. Không chỉ có cánh đàn ông, cả các bà, các mẹ cho đến lũ trẻ chúng tôi cũng góp phần cho cảnh chiều quê thêm phần chộn rộn. Kẻ đứng, người ngồi trò chuyện râm ran. Mấy cụ già phe phẩy chiếc quạt mo cau, cặp mắt nheo nheo dõi theo những cánh diều như những chiếc lá đa gắn trên nền xanh của khoảng chiều thu còn vàng sắc nắng. Những chiếc diều quê tôi không nhiều sắc màu lòe loẹt, nó bình dị đơn sơ màu đất quê hương , một mảnh đất bạc màu. Với đôi cánh thon nhọn vút cong, trông chúng cũng giống như mảnh trăng non giữa trời chiều dần tắt nắng. Nhìn xa hơn về phía chân trời, những cánh diều lướt trên những khóm mây trắng bạc như đoàn thuyền đang rẽ sóng ra khơi. Chúng chen vai nhau thả sức vươn lên giữa trời cao lộng gió. Không biết thú chơi diều của người dân quê tôi có từ bao giờ, nhưng theo nhiều người thì nó đã có từ lâu lắm rồi. Những thanh tre vừa dẻo vừa vững chắc được làm nên những chiếc diều với nhiều hình dạng khác nhau.Có loại diều hai đầu cánh nhọn và cong đều, gọi là “diều cánh cắt” , có loại chỉ uốn cong nhiều ở hai đầu cánh và ít nhọn hơn, gọi là “diều cánh bầu”, “ diều cánh cốc ”, “ diều én ”v.v.. Tuy vậy tùy thuộc vào khả năng và tài nghệ của từng người mà họ làm những chiếc diều to, nhỏ khác nhau đủ các cỡ. Có những chiếc diều có sải cảnh hai, ba mét. Phía trên đầu của mỗi chiếc diều còn được gắn thêm những cây sáo. Nào là “Sáo Chiêng”, “Sáo Côồng ”, âm thanh nó phát ra như tiếng chiêng, tiếng côồng trầm hùng đĩnh đạc ngân vang suốt mọi nẻo đồng quê. Đây là loại sáo lớn nhất, đường kính ống sáo có lẽ gần mười phân, thân ống sáo cũng dài đến ba, bốn mươi phân. Loại nhỏ hơn là “Sáo Hiệu”, tiếng sáo lại “tu, tu” gần giống tiếng tù và. Rồi “Sáo đẩu” kéo lên âm thanh rền vang như giọng nam trung. Nhỏ nhất có lẽ là sáo còi, lời sáo trong veo, réo rắt ngân vang tới tận chân trời. Tuy vậy tiếng sáo mỗi chiếc diều lại rất riêng. Tuy cùng một loại sáo nhưng chúng cũng có tiếng trong, tiếng đục , tiếng nhặt, tiếng khoan, khi cao, khi thấp. Dàn giao hưởng đại nhạc sáo diều cứ âm vang hòa quyện trong gió thu man mác, lâng lâng. Nó bay vút lên cao thả hồn trong màu xanh bất tận, lại hiền hòa xà xuống quấn quýt bên lũy tre làng. Tiếng sáo diều như một bản tình ca bất tận đưa mọi người xích lại gần nhau, làm vợi đi bao nhọc nhằn vất vả, rạo rực tuổi thơ, thư thái lòng già. Tiếng sáo diều nối ngày với đêm cho cảnh làng quê bớt phần tăm tối. Nhất là những đêm trăng thanh gió mát, mượn tiếng sáo diều cho lứa trẻ trao duyên.
Tiếc thay thú chơi diều đã chấm dứt khi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan đến quê tôi. Những chiếc diều khổng lồ do các nghệ nhân ngày ấy làm đã không còn nữa. Không biết có khi nào người dân quê tôi mới lại được đằm mình trong những chiều vàng sắc nắng, thư thái cõi lòng theo những cánh diều cao vút giữa trời xanh. Những đêm gió mát, trăng thanh, khúc nhạc mê hồn đưa họ về với giấc ngủ nồng say sau một ngày vất vả. Dẫu sao cũng cám ơn đời đã cho bà, cha, mẹ tôi, tôi và cả những con người cùng thế hệ ấy có những năm tháng bình yên, hạnh phúc tuyệt trần.

Tháng 8 năm 2011
Nguyễn Hữu Thắng

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Ký ức về khoảng bình yên giữa hai cuộc chiến



Miền Bắc hoàn toàn giải phóng sau hiệp định Giơ -Ne - Vơ năm 1954. Quê hương tôi cũng dần “ thay da đổi thịt ” . Khi màn đêm dần chạy chốn, rộn rã khắp xóm thôn tiếng gà gọi bình minh. Những tiếng gà vang ngân, trong như giọt sương đêm, bừng tỉnh những giấc mơ ngọt ngào của những người dân miền quê đang đổi mới. Đâu đó tiếng trẻ oa oa như điểm nhấn trong bức tranh cuộc đời hạnh phúc tràn đầy. Phía trời đông dìu dặt cánh cò, gió chạy lao xao qua những rặng tre hàng trăm năm tuổi. Dưới mái tranh nào tiếng nói, tiếng cười vọng xa như nụ hoa chớm nở trên nhành mận tơ non vừa hé chồi xuân. Những buổi sáng thanh bình cứ bồng bềnh nhẹ ru tôi suốt chặng đường năm tháng. Khi ánh bình minh trải những sợi tơ trời vàng óng vắt qua những ngọn cây, xà xuống từng mái tranh quê là lúc mọi người ai vào việc nấy, không khí đông vui dồn hết chốn cổng làng. Kẻ gồng, người gánh, cái cuốc, cái cào trải dần ra trên cánh đồng xanh màu khoai, lúa. Trong lũy tre làng bao trùm một không khí yên tĩnh vô cùng, chỉ còn lao xao tiếng gà cục tác, tiếng chim cu gù trên những ngọn tre. Tất cả cùng hòa quyện vào nhau như những gam nền cho bản nhạc say đắm muôn đời, ấm giọng ầu ơi tiếng bà ru cháu, tiếng võng tre kẽo kẹt đong đưa. Những âm thanh dù chỉ nhẹ nhàng thôi cũng đủ vang xa đầu thôn, cuối xóm. Có phải chăng làng quê bấy giờ có lũy tre xanh bao bọc, như bức tường thành ôm trọn bản nhạc quê. Quanh làng tôi bấy giờ là lũy tre cao ngất. Những cây tre đời này tiếp đời khác, chen chúc, tay níu chặt tay. Không ai biết lũy tre làng tôi có tự bao giờ, chỉ thấy dưới lớp lá dày lẫn trong màu đỏ hung của đất là tầng tầng, lớp lớp bao gốc tre già nhường chỗ cho lứa măng non. Chúng quấn quýt, đan xen, bế bồng nhau truyền đời, truyền kiếp, để lũy thành ngày càng rộng càng cao. Muốn ra khỏi làng phải qua tám cổng làng hướng về bốn phía. Trước làng có cổng Giếng trên, cổng Giếng Đồng, cổng Sang, cổng Tỵ. Đầu làng có cổng Thượng, sau làng còn có cổng Hầu, cổng Lác, cổng Chùa. Khi tôi đã biết, một số cổng làng đã bị phá, như cổng giếng trên, cổng Hầu, cổng Lác, cổng Chùa. Các cổng khác được xây bằng gạch chắc chắn, bề thế. Mỗi cổng đều có đôi cánh gỗ dày, then cài trong vững chãi. Nền cổng, bậc bước xuống đồng thường lát bằng những phiến đá to hoặc những hàng gạch vỉa nghiêng vẹt mòn những vết chân tần tảo. Trên nóc cổng là vọng gác của làng những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
Tre làng tôi còn xanh tốt đến mọi nhà. Có nhà ai không có một vài khóm tre, nhiều nhà còn có cả lũy tre dày đặc bao quanh đất ở. Bởi vì nhà ai đất đai cũng rộng , vườn tược bỏ hoang nhiều. Xóm làng dân cư thưa thớt chứ đâu có đông đúc như bây giờ. Gianh giới giữa mọi nhà chủ yếu là những hàng cây dại bám theo mấy ngọn tre rào tạm. Chỉ có một số nhà khá giả là có cổng, còn hầu hết mở lối "tự do", cẩn thận hơn là có cành giong rấp lại khi đêm về. Tôi mãi yêu, mãi nhớ, cứ ước ao cái làng quê tôi còn mãi trên đời, dẫu vẫn biết đó là điều không thể ! Bởi trong đó chỉ có những con người mộc mạc, dịu hiền như những mái tranh quê. Họ sống với nhau chân tình, cởi mở. Dẫu giàu, nghèo thì cũng chẳng có ai cần đến cửa giữ nhà, chỉ có tấm liếp che mưa, chắn nắng. Hầu hết nhà tranh quê tôi đều không xây tường phía trước ba gian giữa, mà thường chắn bằng khại, liếp đơn sơ. Mỗi khi vắng nhà người ta kéo kín cửa lại vừa như báo hiệu nhà đi vắng cả, vừa để không cho gà qué vào quấy bẩn mà thôi. Đâu có phải chỉ ban ngày mà cả đêm tối nữa. Trong những dịp hội hè, tết nhất người ta còn tổ chức hát tuồng, hát chò, cải lương. Những khi đó già, trẻ, gái , trai nhà nào mà chẳng nô nức đi xem. Họ chỉ cần buông tấm liếp hoặc kéo cái khại cho có vẻ kín đáo, có nhà ai biết cái khóa cửa là gì.
Tôi vẫn tự hỏi lòng, có thật một thời thần tiên như thế. Mặc nhiên nó đã từng tồn tại trên đời…

Tháng 8 năm 2011
Nguyễn Hữu Thắng

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Mặt trời của anh



Thuở còn thơ cắp sách đến trường
Anh đã gặp chân trời xòe nan quạt
Tia sáng lung linh ngàn ước mơ tha thiết
Tuổi thơ xôn xao như bình minh.

Cuộc đời lớn lên với những giấc mơ xanh
Đường hành quân anh đi về nơi ấy
Trời phương đông cứ hừng lên mãi
Những tia sáng dài như một hàng mi

Ánh mắt người thương dõi mỗi bước anh đi
Sưởi ấm những đêm rừng giá lạnh
Xua tan bớt khói mù sau trận đánh
Xao xuyến cánh cò in đậm giữa trời mây.

Mặt trời của anh bây giờ là đây
Những ngón tay xinh xòe tia nắng mới
Chảy tràn trang giấy thơm mong đợi
Nâng tiếng cười ríu ran

Và mỗi ngày đón tia nắng đầu tiên
Đầy ắp không gian tiếng học bài trẻ nhỏ
Mặt trời bốn phương tụ về nơi đó
Giữ trọn cho đời những bình minh.

Tháng 11 năm 1976
Nguyễn Hữu Thắng

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Cô giáo trường làng


Sân trường như khoảng trời vuông
Áo em trắng nõn nhẹ vương mây chiều
Cặp môi xinh, mảnh trăng treo
Dịu hiền giữa những chòm sao- mắt trò
Long lanh, trong sáng, ngây thơ
Quây quần như dải ngân hà bên em
Mỗi ngày nắng mới bừng lên
Khoảng trời vuông ấm lời em giảng bài
Nghe như quá khứ xa xôi
Vọng về từ thuở đất trời hồng hoang
Triệu năm lật mở từng trang
Sâu trong con chữ, mênh mang lẽ đời
Vượt thời gian đến tương lai
Mở ra bát ngát chân trời ước mơ
Từ trong ánh mắt trẻ thơ
Đã như thấy cả tiền đồ nước non

Sân trường – một khoảng trời con
Em là tia nắng góp nên mùa vàng.



Nguyễn Hữu Thắng

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Đưa con di thi Đại học

Vào những ngày này 20 năm về trước, biết mấy lo âu, thắc thỏm đợi chờ kết quả kỳ thi vào đại học của con. Hôm nay mọi việc đã được an bài, ước nguyện cuộc đời đã thành sự thực... Mà đâu chỉ có vậy, ba mốt năm trước, năm 1980, ngày đầu con cắp sách đến trường, cha đã ấp ủ nhiều hy vọng. Cha đã chụp cho con bức ảnh bằng phương pháp lộ quang kép hình con số " 80 ", với bài học đầu tiên chữ " O " . Món quà tặng con ngày đầu đến lớp.


Hôm nay con thi vào đại học
Cha đưa con đi khi trời còn mờ đất
Mà giữa lòng cha một miền sáng mênh mang.
Đường con đi hôm nay thênh thang
Dẫu trăm ngả vẫn một đường hạnh phúc
Hãy chọn đi con cuộc đời đích thực
Tương lai đầy tình yêu của con.
Vẫn biết là còn lắm gian truân
Đè nặng lên đôi chân bé bỏng
Cha thấu hiểu và cha hy vọng
Cuộc đời này là của con.

Không thể như xưa trăm ngàn nỗi băn khoăn
Một quãng đời cha chìm trong nuối tiếc
Chân muốn đi, không có đường để bước
Ngẩng mặt nhìn trời, đôi cánh chẳng được bay.

Đưa con đi trên đường hôm nay
Cha thầm gửi trăm ngàn mơ ước
Tuổi trẻ năm xưa cha chưa giành được
Con cố giành cho cha.

Hè 1991

Nguyễn Hữu Thắng

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Mẹ


38 năm trước trên chặng đường hành quân giữa mịt mùng khói lửa, đạn bom, bỗng trái tim người lính nhớ mẹ đến vô cùng. Mà đâu chỉ có nhớ, nỗi niềm thương cảm, kính yêu còn nhiều gấp bội. Có lẽ trong giờ phút ấy, nơi hậu phương suốt năm canh mẹ còn thao thức, khấn phật, cầu trời cho con được bình yên ...

Nhìn bông lúa chiêm lặng lẽ uốn câu
Con nhớ mẹ xa tảo tần vất vả
Một ánh đèn leo lét bên cửa sổ
Thao thức bồi hồi ngóng đợi suốt năm canh.

Con không biết từ thuở tóc còn xanh,
Tiếng mẹ ru con chỉ còn trong hơi thở
Câu hát à ơi có tiếng lòng nức nở
Giọt nước mắt Người xuyên thủng đêm thâu.

Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về…

Tiếng ru hời hôm nay con vẫn nghe
Quá khứ vọng về từ đồng chiêm lặn lội
Tay run cóng cắm cây mạ non vồi vội
Lạnh xé tim Người, tiếng khóc đứa con yêu.

Mẹ thương con chẳng nói nhiều,
Mắt trũng sâu đọng bao trăn trở
Dẫu mấy gian truân không hề than thở
Tất cả đắp bồi cho cuộc đời con.

Suốt năm canh trông ngóng mỏi mòn
Con lớn dậy cùng ước mơ của mẹ.
Bàn tay nhăn nếp thời gian, nhè nhẹ
Nâng chiếc ba lô con bước lên đường.

Sao mừng mừng, tủi tủi, thương thương
Mẹ quay nhanh lau dòng nước mắt
Con càng thấu nỗi lòng Người dào dạt
Tự buổi con chào đời cất tiếng khóc oa oa.

Con lớn lên rồi và con đi xa
Manh áo rách vai nắng mưa vạn dặm
Lóng ngóng tay non xăn màu chỉ xám
Se chọn lòng con nỗi nhớ mẹ thương yêu.

Đến hôm nay nắng đã xế chiều
Vẫn hắt tia xa soi đường con bước
Là lòng mẹ thương con rất mực
Không nói thẳm sâu tận đáy vô cùng.

Cho con đi.
Khắp mọi miền như lòng mẹ mênh mông.

Tháng 7 năm 1973.

Nguyễn Hữu Thắng

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Chợ Quê ( phần cuối )


Không biết tự khi nào chợ Dộc quê tôi được liên kết với bốn chợ khác trong vùng luân phiên họp trong năm ngày liên tiếp - Chợ phiên. Ngày 1 hàng tháng họp chợ Xa (chợ Cổ loa), ngày 2 chợ Kim ( thuộc xã Xuân nộn ), ngày 3 chợ Dâu ( thuộc xã Xuân canh), ngày 4 chợ Tó ( Uy nỗ), ngày 5 chợ Dộc. Chu kỳ lại bắt đầu quay lại từ ngày 6 đến ngày 10. Vì thế dân quê tôi có câu ca: Xa xà Kim, Kim kìm Dâu, Dâu câu Tó, Tó mó Dộc, Dộc cộc xa, Xa xà Kim... Trong năm chợ thì chợ Dâu và chợ Kim là nhỏ hơn, ba chợ còn lại đều thuộc loại có quy mô lớn, hàng hoá phong phú không chỉ trong vùng mà nó còn có tiếng trong nhiều vùng lân cận. Do địa thế thuận lợi cho việc giao thương, chợ Dộc còn có hai phiên “xép” họp trùng vào ngày họp chợ Dâu và chợ Kim. Thế mạnh của chợ Dộc trước hết phải kể đến vị thế của cái làng “Dộc” vừa to, vừa phong phú về nguồn hàng nông sản với đủ các chân đồng cao, ruộng thấp, mùa nào thức ấy. Thế mạnh không kém là con đường giao thương sẵn có từ bao đời. Đường cái quan suốt từ Từ Sơn, Đồng Kỵ thuộc Tỉnh Bắc Ninh qua Liên Hà, Vân Hà trở ra. Từ quốc lộ 3 qua Cổ Loa, qua Tó trở vào cũng thuận lợi. Kề bên chợ lại là con đường “hoả xa” nối từ Hà nội lên tận Lao cai với hai ga nằm ở hai đầu chợ : ga The le và ga Xuân Kiều. Có lẽ vì một số lợi thế đó mà chợ Dộc đã hình thành từ rất sớm và có quy mô bề thế trong vùng. Ngày ấy đường xá, phương tiện đâu được như bây giờ. Tất cả mọi người gồng gánh đi bộ, tay xách, nách mang, chứ làm gì có xe cộ, đường xá thênh thang. Những đứa trẻ lon ton chạy theo bà, theo mẹ. Mỏi quá thì được ngồi vào một bên quang thúng để người lớn gánh đi. Cái cảnh chợ quê giản dị mà nên thơ, nồng nàn, ấm cúng. Người ta đến chợ đâu chỉ để mua bán, mà còn để gặp gỡ, đổi trao, tâm tình thăm hỏi. Chợ là trung tâm giao lưu cả về vật chất và tinh thần.
Nhưng rồi cảnh chợ phiên miền quê nhộn nhịp mà yên bình, phong lưu mà dân dã, náo nhiệt đến chân tình dần không còn nữa. Nó thưa vắng dần khi đất nước chuyển sang thời kỳ "phân phối". Hàng gạo, hàng thịt, hàng đậu, hàng mắm, hàng dàu, với nhiều hàng nhu yếu phẩm khác được nhà nước quản lý, bán "phân phối" theo tem phiếu bắt đầu vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi. Chợ Dộc chỉ còn lèo tèo mấy mớ khoai, thúng củ, rổ hoa trái trong vườn, mọi hàng quà bánh được chế biến từ lương thực không còn nữa. Thế mà cái cảnh chợ phiên nghèo nàn buồn tẻ cũng kéo dài mất ngót ba mươi năm.
Trong những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cùng với sự tiêu tan rừng chám, chợ Dộc quê tôi cũng chuyển đi nơi khác nhường chỗ cho nhà ga dã chiến mọc lên. Không biết có phải vì dời xa nơi “ chôn rau, cắt rốn ” của mình hay vì lí do nào khác mà Chợ Dộc từ đó đến nay không thể có quy mô bề thế như xưa. Và tất nhiên bản chất của chợ quê cũng dần đổi thay theo năm tháng, khi mà cơ chế thị trường đang ngự trị nơi đây. Hàng hóa nông sản dần ít đi, thay vào đó là nhiều mặt hàng công nghiệp. Người ta đến chợ cũng ít để trao nhau nụ cười, khoé mắt, mà tất bật, vội vàng mua bán “cho xong”. Cảnh chợ quê xưa dần mai một mất rồi.
Có điều đặc biệt là chợ Dộc có một phiên họp tất niên vào ngày hai lăm tháng chạp hàng năm. Hàng hóa ngày thường hầu như còn rất ít, nó được thay thế bằng nhiều mặt hàng phục vụ ngày tết. Nhưng nhiều hơn cả vẫn là các mặt hàng quà bánh. Bên những quán hàng bánh trái quanh năm, còn nhiều người chỉ tranh thủ mở hàng duy nhất một ngày. Mà những mặt hàng này thì thật là phong phú, đủ chủng loại, không thể nào kể hết. Nhưng món đặc trưng của phiên chợ này vẫn là hàng Cháo Cói. Khách đặc trưng của phiên chợ này là bà già và trẻ con. Thời gian họp chợ bắt đầu từ khi còn tối đất đến tận quá trưa. Phiên chợ đông vui, náo nhiệt lạ thường. Cũng may phiên chợ “ Hai Nhăm ” mộc mạc, hoang sơ đầy quyến rũ vẫn được duy trì đến hôm nay, để cảnh chợ quê còn lưu lại trong ký ức của thế hệ đương thời…

Tháng 7 năm 2011





Bài và ảnh Nguyễn Hữu Thắng