Trang2

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Nhà tranh


Tôi sinh ra, lớn lên trong căn nhà mộc mạc, đơn xơ nhưng nồng ấm tình yêu. Tôi quên sao được mái nhà tranh hiền lành đạm bạc như cuộc đời của cha, mẹ, ông, bà tôi. Tôi nhớ, tôi thương bức tường đất lầm lì mà vững chắc như con người quê tôi chân lấm tay bùn, giãi nắng giầm mưa chắt chiu, tần tảo mà nụ cười luôn hé nở trên môi. Nhưng tất cả đã không còn nữa, để lòng người thấy thiếu vắng một điều chi. Ước gì dẫu cuộc đời vẫn sang nhiều trang mới, vẫn đi lên theo quy luật tự nhiên, nhưng vẫn còn đâu đó bóng dáng của một miền quê dịu hiền, mộc mạc, để tình người còn mãi sự nồng hậu, chân phương...


Quê mình
Tường đất
Mái tranh
Thủy trung
Với lũy tre xanh muôn đời
Mà sao sâu nặng tình người
Lao xao giọt nắng
Rạng ngời mắt ai

Giờ Đây
Vĩnh viễn xa rồi
Để Thương
Để nhớ
Một thời thần tiên


Thang 2- 2000

Nguyễn Hữu Thắng

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

Cổng làng


Xưa kia làng tôi có những chiếc cổng làng đáng yêu như thế. Nhưng vật đổi, sao rời, chính những con người từng yêu dấu nâng niu chúng lại tự tay phá bỏ chúng đi để mãi còn ngẩn ngơ thương tiếc.

Lũ trẻ làng tôi vẫn nhớ gọi tên
Cổng Tỵ, cổng Hầu, cổng Sang, cổng Giếng
Những cái tên chỉ nghe truyền miệng
Cổng làng xây giờ không còn đâu.

Bậc đá vẹt mòn, kỷ niệm khắc sâu
Những bàn chân tảo tần, lặn lội
Quang gánh oằn vai đi về sớm tối
Con vạc, con cò vẫn mềm mại câu ca

Bin dịn, bùi ngùi bao cuộc chia xa
Nước mắt mừng vui những ngày đoàn tụ
Sau cánh cổng làng dấu nhiều tâm sự
Người dẫu đi đâu vẫn nhớ lối về

Sừng sững cổng làng, sừng sững bờ tre
Khi có giặc thành pháo đài đánh giặc
Giặc tan rồi, mở khoảng trời bát ngát
Níu sợi dây diều cho tiếng sáo bay xa

Sau mỗi mùa vui mưa thuận, gió hòa
Người muôn phương lại trở về chẩy hội
Cổng làng nhỏ vang tiếng cười, giọng nói
Cả ắp đầy câu hát trao duyên.

Những cổng làng hướng ra bốn phương
Cánh rộng mở đón gió trời, hương đất
Lắng đọng lại ngọt ngào vị mật
Người chắt chiu, cổng giữ lại cho đời.


Cổng làng xây không còn nữa rồi,
Lũy tre xanh tan vào dĩ vãng
Những ngôi nhà tràn ra mặt ruộng
Lối vào làng chằng chịt, ngổn ngang

Những bước chân xuôi, ngược vội vàng
Bụi cát phủ mờ vết mòn bậc đá
Trong câu ca quên cánh cò bay lả
Đêm trăng thanh quên tiếng trống hội mùa

Nhưng còn đây tên mỗi Cổng Làng xưa
Hương mật cuộc đời ngọt ngào muôn thuở
Dẫu hôm nay còn nhiều trăn trở
Dưới mỗi mái nhà vẫn sáng niềm tin.

tháng 6 năm 1995

Nguyễn Hữu Thắng

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

Chiều Thu


Làng quê nào cũng êm ả, thân thương, cũng mướt xanh những rặng tre vừa thâm trầm vừa xao xuyến. Còn gì đẹp hơn những dãy ao làng biêng biếc một khoảng trời, luôn nhoẻn miệng cười ngắm những hàng tre xõa tóc.Thấp thoáng đâu đây mái đình vút cong như ngọn bút vẽ lên trời xanh những chòm mây bồng bế nhau ngắm hoàng hôn dần tắt phía trời tây. Đâu đó tiếng chuông chùa bỗng ngân nga buông vào lòng người khoảnh khắc bâng khuâng thanh tịnh. Một chiều thu tĩnh lặng bỗng nhiên trĩu nặng lòng người thương nhớ đến mẹ cha.

Lăn tăn mặt nước chiều Thu
Thâm nghiêm cửa Phật trầm tư soi mình
Bâng khuâng nhớ đấng sinh thành
Một đời thanh bạch, hiền lành, bao dung ...

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Quê xưa


Trong xã hội phát triển ngày nay, còn mấy ai nhớ đến một miền quê nghèo đã nuôi ta khôn lớn. Cái làng quê ấy nó có thể còn nhiều thiếu thốn về vật chất, nhưng nó thực sự giàu có vô cùng của tình người "tắt lửa tối đèn" họ luôn có nhau. Một mái tranh xiêu nhưng quanh năm đầy ắp tiếng cười, một hàng dậu thưa nhưng bình an khuya sớm, một cánh cổng giong nhưng rộng mở tình đời.Ngày hôm nay có lẽ cũng khó tìm đâu được bóng dáng của một chiếc cổng giong, một hàng giậu thưa hay một mái tranh quê nhuốm màu mưa nắng. Xin hãy để nó lắng đọng trong ký ức cuộc đời, để tự nhủ lòng ta đã làm gì để cái quê nghèo vĩnh viễn không còn nữa nhưng tình người thì mãi mãi nồng ấm trong mỗi con người hôm nay và mai sau.

Nặng lòng với cảnh quê xưa
Mái tranh, vách đất, giậu thưa quanh nhà
"Cổng Tre" mở lối vào ra
Mà sao nồng ấm thiết tha tình người
Còn đâu nét cũ mình ơi(!)

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Minh Nhật


Cái tên Minh Nhật liệu có nói lên điều gì?
Mỗi bình minh thức dậy lại nghe thấy giọng trẻ thơ trong veo với nụ cười hồn nhiên như một nhành hoa tươi tặng cho ông trong nắng vàng rực rỡ. Rồi mai đây, nụ cười ấy cứ bừng tươi lên mãi để cuộc đời mãi mãi một sắc xuân.

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Vào xuân



Bốn mươi xuân rồi! Thuở ấy - Chiến tranh
Xuân hối hả, xôn xao vai áo lính
lá nguỵ trang rẽ khói bom đặc quánh
Nụ hoa cười sau ánh lửa na pan

Vẫn ngọt ngào nhả mật giữa không gian
Chim gọi bạn sau mỗi làn đạn nổ.
Giữa Trường Sơn xuân tươi hồng rạng rỡ
Cặp mắt tròn, em gái giao liên

Và hôm nay giữa đất trời bình yên
Xin hãy nhớ người con gái ấy
Sau trận sốt rừng, cặp môi khô tái
Vẫn trong tiếng cười níu lại sắc xuân

Xin đừng quên giữa trùng điệp Trường Sơn
Còn im lặng bao nấm mồ đồng đội
Họ tình nguyện gửi tuổi xuân ở lại
Dẫu cuộc đời chưa chạm tới nụ hôn

Chắc chiều nay trong lãng đãng mưa xuân
Mầm lộc nhú thắp nén nhang trên mộ
Nhánh hoa rừng trắng tinh khôi hé nở
Viếng mộ người lính trẻ xa quê

Nắng phương Nam theo đàn én bay về
Mang theo cả nồng nàn hơi thở
Khúc quân hành của một thời khói lửa
Đưa đất nước này vào xuân
22-2-2010

Những ngày này 40 năm về trước, giữa mịt mùng khói lửa Trường Sơn, khúc quân hành giữa mùa xuân cứ ngân vang trong đoàn quân ra trận.Đến hôm nay mái tóc đã pha sương, mà lòng người vẫn xốn xang trở về hoài niệm.

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Chiều xuân Canh Dần


Ngắm nhìn mấy đứa cháu vui chơi mà lòng lại thêm xuân

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010

Chợ 25




Quê tôi có một phiên chợ rất độc đáo. Hàng năm cứ đến ngày 25 tháng chạp lại có buổi chợ phiên như bao phiên chợ khác. Có điều phiên chợ này hầu như chỉ dành cho các bà, các mẹ và trẻ con.Từ sáng sớm tinh mơ, bà nào cháu nấy, mẹ nào con nấy, bồng bế, dắt ríu nhau đến chợ. Hàng hoá trong chợ hầu hết là hàng quà bánh truyền thống mà ngày thường nhiều khi vắng bóng. Không biết chợ phiên này có từ bao giờ, nhưng nét đẹp hoang sơ của nó còn tồn tại dến bây giờ.

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

Tường Đất


Trăm năm sừng sững giữa trời,
giầm mưa, giãi nắng, một đời hiên ngang
Vẫn mang dáng vẻ dịu dàng
Chở che, ôm ấp dân làng quê tôi
Nhớ thương "TƯỜNG ĐẤT" đâu rồi!

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

niềm vui


Tình cờ chụp được bức hình của cháu nội đang chơi một mình ở góc sân. Mỗi lần ngồi ngắm bức ảnh lại thấy lòng bâng khuâng khó tả. Dẫu thật đây rồi mà vẫn thấy như mơ. Chiều xuân nay bên các cháu nội ngoại vui đùa, ông lại nhớ đến một thời khói lửa. Bấy nhiêu năm với biết bao thăng trầm, gian khó để có hôm nay hạnh phúc dâng đày. Bất chợt ông lại nhớ một chiều Xuân xưa giữa khu rừng biên giới, sự tồn vong không còn gianh giới rõ ràng. Một chút bi hùng sưởi ấm lòng người lính để con người còn nuôi hy vọng đến mai sau. Không hiểu sao khi đó ông đã viết nên mấy câu thơ này. Có lẽ cũng để xua tan bớt nỗi buồn nơi hoang vắng, để quên đi tiếng bom đạn thét gào...

Tết đến

Mưa lạnh mấy hôm quên tết đến
Vườn sau hoa mận trắng chân mây.
Ngủ dậy, nhìn trời loang lộc nhú.
Bâng khuâng ... xuân đã đến rồi đây

Lập loè cuối xóm rừng cau lửa
Chú chích lon ton nhảy trên cành.
ào ào gió chuyển, ừ đông hết.
Cau lửa ai mua, phải "để dành".

Chim nhớ hoàng hôn về tổ ấm.
Bếp nhớ chiều qua bếp lại hồng.
Nhà sàn mấy nếp co ro đứng
Đì đoành pháo nổ trong mênh mông!

tháng 1 năm 1974



Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

mùa xuân



Bắt đầu một mùa xuân mới, lòng người cũng đầy sắc xuân. Mấy cây lộc vừng chồi non ửng đỏ, cùng nhánh mai vàng tắm bụi mưa xuân. Có nghe thấy không tiếng con my cất lên trong vắt như sợi nắng vàng chợt quyện những chồi non. Nhưng có lẽ xao xuyến lòng mình hơn mọi âm thanh mùa xuân là tiếng khóc trẻ con ngọt ngào chào buổi sớm, lời mẹ nựng con như tiếng gọi xuân về. Cu Hiển của ông đang cất lên những âm thanh cuộc sống, nó ngân vang đến tận mai sau. Bắt đầu một mùa xuân mới, một miềm vui mới, một miềm hy vọng tràn đầy.